Quy trình đồng sơn ô tô tiêu chuẩn tại Honda Ô tô Sài Gòn Cộng Hòa

Các vết hư hỏng, trầy xước bề mặt sơn trên xe ô tô không chỉ làm xe mất thẩm mỹ, mà còn làm cho bụi bẩn bám vào và nước mưa làm oxy hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới độ bền của vỏ xe. Lúc này, đồng sơn xe ô tô là giải pháp được mọi người lựa chọn để phục hồi lại diện mạo vốn có của chiếc ô tô.

Quy trình đồng sơn khá phức tạp và đòi hỏi tính chuyên môn cao, bao gồm hai giai đoạn chính: phục hồi tình trạng méo, móp, xước xe và sơn phủ lớp sơn mới. 

Chi tiết quy trình đồng sơn tiêu chuẩn tại Honda Ôtô Sài Gòn - Cộng Hòa gồm các bước như sau: 

BƯỚC 1 - KIỂM TRA BỀ MẶT HỎNG HÓC:

Kỹ thuật / Tổ trưởng / Quản đốc viên quan sát và xác nhận các điểm hỏng hóc vào phiếu kiểm tra để làm cơ sở cho kiểm soát chất lượng sửa chữa các công đoạn tiếp theo. Dùng bút đánh dấu các khu vực hỏng hóc nhưng không sửa chữa. Dùng thước lá để kiểm tra trên các bề mặt hỏng hóc rộng. Dùng giẻ lau sạch trong trường hợp bề mặt bẩn. 

BƯỚC 2 - MÀI BÓC SƠN TRÊN BỀ MẶT HỎNG HÓC:

Kỹ thuật viên đặt đế máy mài nghiêng góc ~15 độ so với bề mặt, mài bóc hết lớp sơn cũ trên bề mặt hư hỏng. 

Dong Son
Mài bóc sơn và khắc phục tình trạng móp méo

 

BƯỚC 3 - PHÁ VÀ HẠ MÍ KHU VỰC MÀI BÓC SƠN:

Nhằm ngăn ngừa hiện tượng rút nền và tăng cường độ bám dính. Kỹ thuật viên đặt đế máy nghiêng góc khoảng 10 độ so với bề mặt, hạ mí khoảng 10mm cho mỗi lớp sơn. Mài mở rộng ngoài vùng hỏng hóc khoảng 15cm để tạo độ bám dính cho lớp bả matit (bề mặt hết độ bóng). 

Dong Son
Hạ mí khu vực mài bóc sơn

 

BƯỚC 4 - VỆ SINH VÀ SƠN CHỐNG GỈ BỀ MẶT:

Nhằm mục đích đảm bảo chất lượng và tạo độ bám dính cho lớp matit. Kỹ thuật viên dùng súng khí thổi sạch bề mặt, xịt đều xăng lau trên bề mặt và dùng giẻ lau sạch. Pha sơn đúng tỉ lệ sau đó dùng súng phun cho bề mặt lớn, sử dụng giẻ để chấm sơn cho bề mặt nhỏ. 

Dong Son
Vệ sinh và chấm sơn cho bề mặt nhỏ

 

BƯỚC 5 - SẤY VÀ KIỂM TRA BỀ MẶT SƠN CHỐNG GỈ:

Nhằm đảm bảo chất lượng sơn chống gỉ và đẩy nhanh tiến độ sửa chữa và đảm bảo bề mặt sơn chống gỉ kín, không rộp. Kỹ thuật viên điều chỉnh nhiệt độ sấy khoảng 60 độ C trong thời gian 5 phút; nếu để khô tự nhiên cần để từ 20-30 phút. Sau đó dùng súng khí thổi nguội bề mặt, kiểm tra bề mặt đảm bảo độ cứng của lớp sơn chống gỉ. 

BƯỚC 6 - TRỘN VÀ BẢ MATIT TRÊN KHU VỰC HỎNG HÓC:

Kỹ thuật viên trộn matit và chất đóng rắn đồng đều với nhau. Bả matit một lớp mỏng và ép chặt tay để tạo chân bám; bả điền đầy khu vực hỏng hóc cho đến khi điền đầy hết; dùng tay và thước lá để kiểm tra sự thiếu hụt matit trên các vùng bả matit.

Dong Son
Trộn và bả matit bề mặt

 

BƯỚC 7 - SẤY VÀ KIỂM TRA BỀ MẶT MATIT:

Để đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, ngăn ngừa hiện tượng rút nền; lựa chọn hướng chà phù hợp để tránh làm hỏng bề mặt. Kỹ thuật viên điều chỉnh nhiệt độ sấy khoảng 60 độ C, thời gian sấy theo tiêu chuẩn của từng loại sản phẩm. Kiểm tra bề mặt để đảm bảo độ cứng của matit, lựa chọn hướng chà phù hợp. 

BƯỚC 8 - CHÀ MATIT BẰNG THANH CHÀ VÀ XỬ LÝ MỌT BỀ MẶT:

Nhằm đảm bảo bề mặt được phẳng và xử lý hết các lỗi mọt nếu có trên bề mặt matit. Kỹ thuật viên chà cấp nhám P80 trên bề mặt matit; chà cấp nhám (P120 -> P180) để làm phẳng bề mặt. Kiểm tra lỗ mọt khi hoàn thành cấp nhám P120, dùng súng khí thổi sạch bụi và kiểm tra bằng mắt thường sau đó bả matit lấp đầy các lỗ mọt. Chà theo nhiều hướng khác nhau cho đến khi bề mặt được phẳng. Dùng tay và thước lá để kiểm tra sự thiếu hụt matit trên các vùng bả matit. 

BƯỚC 9 - CHÀ MATIT BẰNG MÁY QUỸ ĐẠO:

Nhằm cắt vết xước của cấp nhám trước đó và tạo nhám bề mặt cho lớp sơn lót. Kỹ thuật viên đặt máy quỹ đạo lên bề mặt chi tiết sau đó quay đều toàn bộ khu vực matit và mở rộng khu vực xung quanh phù hợp với hỏng hóc để chuẩn bị cho bước sơn lót. 

Dong Sơn
Phủ mực và chà matit bằng máy quỹ đạo

 

BƯỚC 10 - CHUẨN BỊ BỀ MẶT TRƯỚC KHI SƠN LÓT:

Để đảm bảo cho bề mặt được sạch, che chắn để tránh bụi sơn bay vào khu vực xung quanh xe. Kỹ thuật viên dùng súng khí thổi sạch bề mặt, xịt xăng lau và dùng giẻ sạch lau trên bề mặt. Dùng giấy hoặc nilon che chắn theo phương pháp lật ngược mép để tránh tạo gờ của lớp sơn lót, khoảng cách che chắn cách khu vực matit từ 20-25 cm. 

BƯỚC 11- PHA VÀ PHUN SƠN LÓT:

Với mục đích tạo hỗn hợp sơn đồng nhất, điền đầy khu vực sửa chữa và tạo độ bám dính cho lớp sơn màu. Đầu tiên sử dụng cân điện tử hoặc thước pha đúng theo tỉ lệ tiêu chuẩn của sản phẩm. Sau đó điều chỉnh súng phun theo tiêu chuẩn của mỗi loại súng, phun thử sơn lên giấy thử để kiểm tra vệt sơn đảm bảo súng không bị trục trặc và vệt sơn phù hợp với khu vực cần sơn. Phun 3 lượt theo thứ tự nhỏ dần và thời gian chờ giữa các lượt phun từ 3-5 phút.

BƯỚC 12 - SẤY VÀ KIỂM TRA BỀ MẶT SƠN LÓT:

Để đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, ngăn ngừa hiện tượng rút nền; đảm bảo chất lượng bề mặt sơn lót. Kỹ thuật viên điều chỉnh nhiệt độ sấy khoảng 60 độ C, thời gian sấy 15-20 phút (thời gian phụ thuộc vào thiết bị); điều chỉnh khoảng cách từ thiết bị đến chi tiết phụ thuộc vào thời tiết và loại thiết bị. Cuối cùng, kiểm tra bề mặt để đảm bảo độ cứng của lớp sơn lót trước khi chà nhám.

Dong Son
Sấy nhiệt và kiểm tra bề mặt sơn lót

 

BƯỚC 13 - CHÀ SƠN LÓT BẰNG THANH CHÀ:

Nhằm đảm bảo cho bề mặt được phẳng trước khi sơn màu. Kỹ thuật viên dùng mút xốp dính mực phủ xoa đều trên bề mặt sơn lót; dùng cấp nhám P180 chỉ trên bề mặt sơn lót; dùng cấp nhám P240 mở rộng ra ngoài mép sơn lót; chà theo nhiều hướng khác nhau cho đến khi bề mặt đạt được độ phẳng. 

BƯỚC 14 - CHÀ SƠN LÓT BẰNG MÁY QUỸ ĐẠO:

Để cắt vết xước được tạo bởi thanh chà và tạo chân bám cho lớp sơn màu. Kỹ thuật viên dùng súng khí thổi sạch bụi trên bề mặt chi tiết, sử dụng lần lượt các cấp nhám từ P320 - P400 - P500 - P1000 - P1500, đặt  máy quỹ đạo vuông góc với bề mặt chi tiết, tiến hành chà toàn bộ khu vực sơn lót và các vùng xung quanh; dùng đệm mềm với những khu vực có bề mặt cong và gân mép trên chi tiết. 

BƯỚC 15 - KIỂM TRA GIỮA VÀ CUỐI QUY TRÌNH:

Bước này giúp đánh dấu khu vực hỏng hóc, tránh bỏ sót khu vực sửa chữa; kiểm soát chất lượng và thời gian từng công đoạn của Kỹ thuật viên; đối sách cho trường hợp chất lượng kém hoặc chậm thời gian; đảm bảo chất lượng và thời gian giao xe đúng kế hoạch; đánh giá năng lực làm việc của Kỹ thuật viên. Kỹ thuật viên / Tổ trưởng / Quản đốc xưởng sử dụng phiếu kiểm tra giữa và cuối quy trình để kiểm tra thực tế từng hạng mục, kiểm soát chất lượng tại các công đoạn: thân vỏ, nền, sơn và kiểm tra cuối. Đánh dấu lại từng hạng mục đã đạt hay không trước khi chuyển sang công đoạn tiếp theo. 

BƯỚC 16 - PHA VÀ ĐIỀU CHỈNH SƠN MÀU / SƠN BÓNG:

Nhằm đảm bảo chất lượng sơn và tránh lỗi phát sinh do pha sai tỉ lệ; đảm bảo giống màu với khu vực liền kề của chi tiết được sơn. Đầu tiên dùng cân điện tử cân đúng theo công thức cần pha và tỉ lệ tiêu chuẩn của nhà sản xuất; trộn đều hỗn hợp sơn bằng thước, sử dụng lọc sơn khi rót sơn vào súng. Sau đó, dựa vào bảng hướng dẫn pha màu, lựa chọn thêm màu cần điều chỉnh và ghi lại số lượng bổ sung (gam) của từng mã màu. Cuối cùng phun ra thẻ thử, sấy khô và so sánh với xe dưới các góc nhìn: 15 độ, 45 độ, 90 độ ở điều kiện đủ ánh sáng. 

Dong Son
Pha màu và so màu sơn

 

BƯỚC 17 - CHUẨN BỊ BỀ MẶT TRƯỚC KHI SƠN MÀU:

Để che chắn các khu vực không sửa chữa và ngăn chặn bụi sơn bay vào trong xe và đảm bảo cho bề mặt được sạch và phát hiện các lỗi trước khi sơn màu. Khi ở ngoài buồng sơn, kỹ thuật viên dùng súng khí và giẻ thổi sạch bề mặt chi tiết, giá treo, xe sau đó xịt đều xăng lau và dùng giẻ sạch lau toàn bộ trên bề mặt khu vực được sơn; cuối cùng sử dụng băng dính, nilon hoặc giấy che chắn toàn bộ khu vực không sơn (lật ngược mí đối với khu vực sơn dặm vá). Trong buồng sơn, kỹ thuật viên dùng súng sơn thổi gió kết hợp với giẻ dính lau đều trên bề mặt chi tiết sẽ phun sơn (tránh để lại vết giẻ dính do lau mạnh tay). 

BƯỚC 18 - ĐIỀU CHỈNH SÚNG VÀ PHUN SƠN MÀU:

Để đảm bảo không xảy ra lỗi liên quan đến súng sơn trong quá trình phun sơn và đảm bảo giống màu với khu vực liền kề của chi tiết được sơn. Quá trình điều chỉnh gồm công đoạn lựa chọn đúng loại súng sơn màu, phun sơn lên giấy thử để kiểm tra vệt sơn. Khi phun sơn, kỹ thuật viên sẽ độ chồng lớp sơn từ 50-70%, chờ khô đều bề mặt trước khi sơn lượt tiếp theo. Lượt đầu, sơn phủ toàn bộ khu vực sơn lót, các lượt sơn tiếp theo sơn toàn bộ đến khi đạt được độ che phủ tốt nhất. Lượt cuối, rải nhẹ 1 lớp sơn đồng đều trên bề mặt có lượng sơn phủ khoảng 50% so với một lượt bắn sơn thông thường. Dùng giẻ dính sạch để lau bụi giữa các lượt sơn khi bề mặt đã khô, tránh để lại vệt do lau quá mạnh tay. 

BƯỚC 19 - ĐIỀU CHỈNH SÚNG VÀ PHUN SƠN BÓNG:

Để đảm bảo không xảy ra lỗi liên quan đến súng sơn trong quá trình phun sơn và tạo độ bóng, bảo vệ và làm đẹp cho lớp sơn màu. Đầu tiên lựa chọn đúng loại súng sơn bóng, phun sơn bóng lên giấy thử để kiểm tra vệt sơn. Phun sơn bóng theo quy trình như sau: độ chồng lớp sơn bóng từ 50-70%, chờ cách lớp theo sản phẩm. Lượt 1, phun 1 lớp sơn bóng đồng đều trên bề mặt có lượng che phủ 70-80% so với một lượt phun sơn bóng thông thường. Lượt 2, phun sơn bóng toàn bộ bề mặt đến khi đạt độ bóng. Cuối cùng phun dung môi phá mí nếu sơn dặm vá. 

BƯỚC 20 - SẤY KHÔ VÀ SỬA LỖI BỀ MẶT SƠN BÓNG:

Để đảm bảo chất lượng sơn, đẩy nhanh tiến độ sửa chữa. Khi sấy khô, kỹ thuật viên duy trì nhiệt độ sấy bề mặt khoảng 60 độ C, thời gian sấy khoảng 30 phút, đảm bảo bề mặt dầu bóng đủ cứng. Sau đó thực hiện sửa lỗi bề mặt sơn bóng: kiểm tra và dùng băng dính giấy đánh dấu lại các vị trí lỗi bề mặt sơn bóng; dùng cục mài kết hợp với giấy nhám nước lấy các vết sạn trên bề mặt sơn bóng. Đối với trường hợp lỗi cam bề mặt, xịt nước lên bề mặt và dùng máy quỹ đạo với cấp nhám từ P1000~P2000 để hạ cam (không mài cam toàn bộ bề mặt bằng tay); sau đó dùng giấy nhám sửa lỗi, sửa bằng tay đối với các bề mặt cong lớn. 

BƯỚC 21 - ĐÁNH BÓNG:

Để làm đẹp lại khu vực sửa chữa. Kỹ thuật viên phết đều lượng xi mỏng trên bề mặt, tì nhẹ máy trên bề mặt rồi mới tiến hành quay máy cho đến khi đạt được yêu cầu độ bóng; di chuyển máy trong quá trình đánh bóng, tránh để máy tì quá mạnh hoặc không di chuyển gây cháy bề mặt và làm hở lớp sơn màu. Cuối cùng, kiểm tra bề mặt để đảm bảo độ bóng đồng đều. 

Dong Son
Đánh bóng làm đẹp 

 

BƯỚC 22 - KIỂM TRA CUỐI VÀ GIAO XE:

Để đảm bảo chất lượng sửa chữa trước khi giao xe. Kỹ thuật viên lắp ráp các chi tiết đã tháo, kiểm tra chức năng hoạt động; sau đó rửa sạch xe và kiểm tra chất lượng cuối trong điều kiện đủ ánh sáng. Đối với các xe tai nạn nặng: Kỹ thuật viên sửa chữa chung cần kiểm tra toàn bộ chức năng hoạt động của các bộ phận liên quan. 

Dong Son
Kiểm tra cuối và giao xe cho khách hàng

 

Kỹ thuật viên trang bị đồ bảo hộ gồm: bảo hộ an toàn thông thường, bảo hộ an toàn sơn, nút bịt tai, kính bảo hộ, khẩu trang phòng độc, găng tay cao su.  

Hãy liên hệ ngay đại lý Honda Ôtô Sài Gòn - Cộng Hòa qua Hotline 090.6868.541 để đặt lịch hẹn và được tư vấn ngay hôm nay. 

Honda Ôtô Sài Gòn - Cộng Hòa hân hạnh phục vụ Quý khách.

 

 
 
 
 
 
 
messenger
phone
phone