Hướng dẫn lái xe an toàn từ Honda
Trong bối cảnh hiện nay, tỷ lệ những vụ tai nạn liên quan tới xe ô tô đang ngày một gia tăng. Việc đào tạo những người tài xế không chỉ hoàn thành tốt các bài thi sát hạch, mà còn tự tin, bình tĩnh xử lý các tình huống bất ngờ, nguy hiểm khi tham gia giao thông ngoài thực tế đã và đang trở thành nhiệm vụ hàng đầu của các cấp lãnh đạo. Sau hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam, Honda Việt Nam không chỉ nỗ lực cung cấp các sản phẩm chất lượng cao với những tính năng an toàn tiên tiến nhất mà còn cung cấp các kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn (LXAT) đem lại sự an toàn và niềm vui cho mỗi khách hàng. Chính vì thế, đối với Honda Việt Nam, An toàn giao thông (ATGT) luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Với triết lý “An toàn cho mọi người”, Honda Việt Nam nỗ lực phối hợp cùng các cơ quan Chính phủ và hệ thống các Đại lý bán xe và dịch vụ do Honda ủy nhiệm không ngừng đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn cũng như đào tạo ATGT trên khắp cả nước.
Cùng chung mục đích đó, Honda Ôtô Cộng Hòa thực hiện chuỗi bài viết “Hướng dẫn Lái xe an toàn” song song với các Khóa huấn luyện Lái xe an toàn trên thực tế. Trong bài viết sau đây, chúng tôi sẽ tổng hợp 7 nguyên tắc lái xe mà bác tài nào cũng cần thuộc lòng và cách kiểm tra cần thiết trước khi lái; cùng các bài hướng dẫn về cách lên xuống xe, tư thế lái, điểm mù và cảm nhận không gian xe.
PHẦN I: 7 NGUYÊN TẮC LÁI XE AN TOÀN BUỘC PHẢI THUỘC LÒNG
1 - Quy định toàn cầu: Không uống rượu/bia và sử dụng điện thoại khi lái xe
2 - Quy tắc an toàn khi vượt xe khác: Thực hiện lần lượt theo các bước sau: quan sát, giảm tốc độ, phản ứng với các tình huống bất ngờ
3 - Quy tắc an toàn khi rẽ vào xa lộ: Cần giảm tốc độ và quan sát cẩn thận trước khi rẽ dứt khoát về hướng cần di chuyển
4 - Quy tắc an toàn khi gặp giao lộ: Trước khi rẽ cần giảm tốc độ và cẩn thận quan sát. Sau đó ra tín hiệu cảnh báo và cẩn trọng rẽ theo hướng cần di chuyển
5 - Khoảng cách an toàn khi lái xe: 2 giây là khoảng thời gian an toàn để có thể phản ứng với các tình huống bất ngờ của xe chạy phía trước
6 - Quy tắc an toàn khi đổ dốc: Sử dụng hãm động cơ (trả về số S)
7 - Quy tắc an toàn khi vào cua: Không vượt khi đang vào cua
PHẦN II: CÁC KIỂM TRA CẦN THIẾT TRƯỚC VÀ TRONG LÚC LÁI XE
1 - Kiểm tra các chỉ số của xe mỗi ngày như:
- Mức dung dịch rửa kính được kiểm tra qua thước đo
- Mức dầu phanh phải trong khoảng giới hạn min và max
- Mức nước làm mát phải nằm trong khoảng giới hạn lower và upper
- Mức dung dịch ắc-quy phải trong khoảng giới hạn lower và upper
- Mức dầu động cơ được kiểm tra trước khi khởi động xe hoặc sau khi tắt máy 3 phút, mức dầu phải nằm trong khoảng giới hạn lower và upper
2 - Kiểm tra hệ thống: đèn cảnh báo, phanh, lốp, đèn phanh
3 - Cách sử dụng phanh:
- Trong lúc lái xe: không đặt chân lên chân phanh vì việc này khiến hệ thống phanh bị quá nhiệt, làm giảm hiệu quả phanh.
- Khi sử dụng chế độ CRUISE CONTROL phải giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước, không đặt chân lên phanh trừ khi giảm tốc độ hoặc dừng xe.
- Khi điều khiển phương tiện xuống dốc cần sử dụng kết hợp hệ thống phanh và hãm động cơ để tránh làm hỏng phanh.
PHẦN III: LÊN VÀ XUỐNG XE ĐÚNG CÁCH
- Hành khách phải lên và xuống xe ở phía sát với lề đường
- Cần kiểm tra an toàn phía sau trước khi mở cửa xe: Nếu mở cửa xe không cẩn thận, cửa xe có thể va chạm vào các phương tiện khác. Nếu trên xe có hành khách thì lái xe nhất thiết phải nhắc họ “lên xuống xe ở phía sát với lề đường” và “quan sát an toàn phía sau trước khi mở cửa”.
- Lưu ý: Nếu tai nạn xảy ra vì hành khách đóng, mở cửa xe không cẩn thận thì trách nhiệm thuộc về người lái xe.
- Cần tạo thói quen quan sát để đảm bảo an toàn khi lên và xuống xe.
- Khi trời mưa, cần phải rũ bỏ hết nước trước khi lên và xuống xe: Nếu để nước mưa vào trong xe, kính xe có thể bị mờ đi ảnh hưởng đến việc quan sát. Nước mưa cũng có thể dính vào bàn đạp chân phanh, ga, côn dẫn đến việc điều khiển chúng không chính xác.
A - Cách lên xe an toàn
(1) Kiểm tra an toàn xung quanh xe: đứng ở phía trước xe để xem có xe khác đang đến hay không.
(2) Quan sát an toàn phía sau: Đứng cạnh cửa xe và quan sát phía sau 1 lần nữa.
(3) Mở cửa xe: Mở cửa xe vừa đủ rộng để lách vào; nhanh chóng vào trong xe, đưa chân phải vào trước, tay phải nắm lên điểm cao nhất của vô lăng, tay trái giữ cửa.
(4) Đóng cửa xe: Nhẹ nhàng kéo cửa vào bằng tay trái; khi còn cách thân xe 10-20cm thì kéo mạnh để cửa xe đóng hoàn toàn. Đảm bảo rằng cửa xe không bị đóng hờ và không có vật cản.
B - Cách xuống xe an toàn
(1) Kiểm tra an toàn phía sau: Quan sát gương chiếu hậu và quay đầu qua vai quan sát bằng mắt để đảm bảo an toàn.
(2) Mở cửa xe: Nhẹ nhàng mở cửa xe khoảng 20cm rồi dừng lại quan sát phía sau; sau đó mở cửa vừa đủ rộng để xuống xe, tay trái vẫn giữ cửa xe.
(3) Ra khỏi xe: Tay phải vẫn giữ trên vô lăng, nhanh chóng ra khỏi xe bằng cách xoay người ra, tay trái vẫn giữ cửa xe.
(4) Đóng cửa xe hoàn toàn: Dừng lại khi cánh cửa cách thân xe 10-20cm rồi đẩy mạnh tay để cửa xe đóng hoàn toàn.
(5) Đi vòng về phía sau xe, chú ý quan sát các xe đang tiến đến.
C - Cho trẻ nhỏ lên và xuống xe an toàn: Luôn đảm bảo rằng phải có người lớn giúp bé khi lên và xuống xe; chú ý cho bé lên xuống xe ở bên phải.
Khi lên xe:
(1) Người lớn phải quan sát an toàn xung quanh sau đó mở cửa và đặt em bé vào.
(2) Hãy lắp ghế ngồi riêng của em bé vừa với ghế xe và với em bé.
Khi xuống xe:
(1) Người lớn ra khỏi xe trước và quan sát an toàn xung quanh.
(2) Người lớn mở cửa xe và giúp em bé ra khỏi xe.
PHẦN IV: TƯ THẾ NGỒI LÁI
- Tư thế ngồi lái chuẩn sẽ giúp người lái xe điều khiển một cách thuận tiện và chính xác, an toàn. Vì nó giúp người lái giảm được sự mệt mỏi trong khi lái xe và có thể phản xạ nhanh với các tình huống bất ngờ bằng cách sử dụng tay lái và phanh.
- Nếu không ngồi đúng tư thế, người lái xe không thể phản ứng nhanh nhẹn trước các tình huống bất ngờ. Chẳng hạn, nếu ghế ngồi được đặt quá xa thì tác dụng của dây an toàn sẽ giảm đi và nếu đặt khuỷu tay lên khung cửa kính thì không thể phản ứng kịp thời với các tình huống bất ngờ. Hãy luôn ngồi đúng tư thế khi lái xe.
- Dây an toàn sẽ không có tác dụng nếu không được cài đúng cách. Cần đảm bảo rằng tất cả những người trên xe đều thắt dây an toàn đúng cách, kể cả lái xe, hành khách ở ghế trước cũng như ghế sau.
- Túi khí cũng không có tác dụng đầy đủ nếu dây an toàn không được thắt đúng cách. Nếu không thắt dây an toàn đúng cách hoặc lái xe ngồi sai tư thế thì hệ thống túi khí sẽ không phát huy đúng chức năng, điều này làm tăng nguy cơ bị thương hay tử vọng khi xảy ra tai nạn
- Người lái xe có trách nhiệm yêu cầu những người khác ngồi trên xe phải thắt dây an toàn.
>>> Tư thế ngồi lái xe đúng:
(1) Hông: Ngồi xuống ghế một cách chắc chắn, không để khoảng trống nào giữa hông của bạn và ghế xe.
(2) Chân: Điều chỉnh ghế ngồi sao cho đầu gối phải hơi gập một chút sau khi đã đạp phanh hết cỡ. (Đối với xe số sàn, chân trái cũng phải gập một chút khi đã đạp côn hết cỡ)
(3) Lưng: Giữ lưng tiếp xúc với tựa lưng của ghế xe, đặt tay lên vị trí cao nhất của vô lăng và điều chỉnh góc của tựa lưng sao cho khuỷu tay bạn vẫn hơi gập xuống. Nếu trục tay lái có thể điều chỉnh được thì hãy điều chỉnh độ cao của trục tay lái phù hợp. Nếu có thể điều chỉnh được độ cao của ghế, hãy điều chỉnh sao cho tầm quan sát được tốt nhất.
(4) Đầu: Điều chỉnh tự đầu của ghế sao cho tai của bạn cao ngang với điểm giữa của tựa đầu.
(5) Gương: Sau khi đã ngồi đúng tư thế chuẩn, hãy điều chỉnh gương. Chỉnh gương bên sao cho ¼ chiều ngang thấy 1 phần của xe, ⅔ chiều dọc thấy mặt đường. Chỉnh gương giữa sao cho có thể thấy toàn bộ ô kính phía sau.
(6) Dây an toàn: Kiểm tra vị trí của dây quàng qua hông và dây quàng qua vai là rất quan trọng, thực hiện như sau:
+ Đặt phần dây quàng qua hông ở vị trí thấp nhất của xương chậu
+ Điều chỉnh dây quàng qua vai sao cho không chạm vào cổ tay, cằm hoặc mặt; dây nằm chính giữa bả vai.
+ Đảm bảo dây an toàn không bị xoắn hay trùng.
Người khi mới lái xe thường có xu hướng gập người về phía trước, cố gắng nắm lấy vô lăng. Nếu ngồi như vậy sẽ không vững vì có khoảng cách giữa lưng và thành ghế. Khi ngồi quá gần với túi khí như vậy, có thể gây ra sự va đập mạnh tới người lái khi túi khí hoạt động. Ngược lại có những người lại ngồi ngả quá nhiều về phía sau. Khi xảy ra tai nạn, họ có thể bị chấn thương nặng bởi họ gần như không điều khiển được vô lăng với cánh tay duỗi thẳng, và dây an toàn trượt ra.
PHẦN V: ĐIỂM MÙ
- Ngồi đúng tư thế lái xe và kiểm tra phạm vi các điểm mù
- Cần hiểu rõ sự khác biệt của điểm mù trên từng loại xe
- Trước khi lên xe, lùi xe vào nhà xe, cần trực tiếp quan sát xung quanh xe để đảm bảo an toàn.
- Trước khi chuyển làn đường, hoặc chuyển hướng, bạn cần quan sát an toàn xung quanh qua gương và quay đầu qua vai quan sát bằng mắt.
- Không nên để xe đi vào phạm vi vùng mù của các xe khác khi tham gia giao thông trên đường.
>>> Những điểm mù của xe mà khách hàng cần lưu ý:
(1) Điểm mù của gương chiếu hậu: Khi có xe khác ở bên phải và bên trái ngay sau xe của bạn, bạn sẽ không nhìn thấy trong gương. Hãy ngồi trong xe và kiểm tra phạm vi các điểm mù ở mỗi gương. Khi chuyển làn, chuyển hướng bạn phải quan sát cả trong gương và trực tiếp bằng mắt mình.
(2) Điểm mù phía sau: Phạm vi điểm mù đằng sau là rất lớn, có thể kéo dài đến vài mét từ ngay sau xe bạn. Hãy ngồi trên xe và kiểm tra phạm vi của điểm mù phía sau. Khi lùi xe bạn cần quan sát xem liệu có em bé hay một vật gì đó ở phía sau hay không, đảm bảo lùi xe không có em bé hay vật cản nhỏ ở vùng mù phía sau xe.
(3) Điểm mù cột trước: Dù cột trước rất nhỏ vẫn tạo ra những điểm mù. Tuy nhiên bạn có thể loại bỏ những điểm mù này bằng cách nghiêng đầu để nhìn; cần tạo thói quen nghiêng đầu để nhìn mỗi khi chuyển hướng.
(4) Điểm mù phía trước: Vẫn có những điểm mù ở ngay sát xe của bạn, nhất là xe đa dụng có thiết kế cao hơn. Xe cao giúp bạn quan sát phía trước tốt hơn nhưng ca-pô cũng cao hơn, làm gia tăng phạm vi của điểm mù.
PHẦN VI: KHÔNG GIAN XE
Cảm giác không gian gian là rất quan trọng khi người lái di chuyển trên đường, vượt qua các xe khác trong đường hẹp, đỗ xe,... Cùng chúng tôi luyện tập các bài tập về “Cảm nhận không gian xe qua video bên dưới”.
Qua bài viết trên chúng tôi hy vọng phần nào đã cung cấp các kiến thức lái xe an toàn cơ bản đến Quý khách hàng. Honda Ôtô Cộng Hòa xin đồng hành cùng Quý khách hàng trên mọi hành trình.
---------------------------------
—> Showroom Honda Ôtô Cộng Hòa || Hotline Kinh doanh 090 3900 567 - Hotline Dịch Vụ 090 6868 541
—> Địa chỉ: Số 18 Cộng Hòa, Phường 4, Quận Tân Bình, TP.HCM
—> Giờ mở cửa: 08h00 – 17h00, từ Thứ 2 đến Chủ Nhật
Honda Ôtô Cộng Hòa hân hạnh được phục vụ Quý khách !!!
8247 | 02-06-2020
6072 | 02-06-2020
4101 | 02-06-2020